Phát triển hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, hiện đại (05-06-2023)

Những năm gần đây, việc xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại có những bước phát triển đáng kể, đưa tỉnh Hòa Bình trở thành một điểm giao thương năng động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 95 chợ, trong đó: 01 chợ đạt tiêu chuẩn hạng I; 10 chợ hạng II; 84 chợ hạng III. Hệ thống chợ được phân bố hợp lý, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cao, tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy được quản lý hiệu quả hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm theo phương thức truyền thống của người dân. Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh về kinh tế, mức sống của người dân được nâng lên, nhu cầu mua sắm tại các loại hình bán lẻ hiện đại như: Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn ngày càng tăng. Điều này đã tạo điều kiện cho hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 03 trung tâm thương mại (bao gồm: AP Plaza, Vincom Plaza, Phú Thành Phát), 07 siêu thị (bao gồm: Siêu thị AP Plaza, Siêu thị Vì Hòa Bình, Siêu thị Sách, Siêu thị Winmart, Siêu thị điện máy HC Hòa Bình, Siêu thị Đình Giang, Siêu thị Tuấn Khanh) và ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng mua sắm tự chọn, tiện ích.

Cùng với đó, với lợi thế tốc độ nhanh, phạm vi toàn cầu, cùng lúc thực hiện nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chi phí thấp, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ/phân phối sản phẩm, dịch vụ đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Xuất phát từ thực tiễn đó, năm 2022, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hòa Bình (địa chỉ: https://hoabinhtrade.gov.vn). Thông qua Sàn giao dịch thương mại điện tử đã giúp các doanh nghiệp của tỉnh giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh, cây ăn quả, cây công nghiệp/dược liệu, chăn nuôi-thủy sản, nông-lâm sản và sản phẩm khác; đồng thời, giúp cho người dân có kênh mua sắm mới, thuận tiện và hiện đại.

Trong thời gian tới, để hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng đồng bộ và hiện đại hơn nữa, Sở Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ. Kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử; đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, khu vực. Quan tâm phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng nông thôn, miền núi để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.